Đồng Nai: Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Đến nay, đã có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào 31 KCN tại Đồng Nai với tổng số 1.327 dự án, trong đó có 964 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư trên 16,9 tỷ USD, vốn thực hiện  trên 12 tỷ USD và 363 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 43.000 tỷ đồng.

Hiện tỉnh Đồng Nai có 31 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập với tổng diện tích đất 9.559 ha, trong đó 4.246 ha đã được cho thuê trong tổng số 6.354 diện tích đất dành cho thuê (đạt tỉ lệ 66,82% diện tích dành cho thuê); có 28 KCN đã tiến hành xây dựng các hạng mục hạ tầng thiết yếu; 03 KCN đang trong quá trình bồi thường, san lấp mặt bằng, triển khai xây dựng các hạng mục hạ tầng cơ bản.


Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tập trung của một KCN ở Đồng Nai

Đến nay, đã có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào 31 KCN tại Đồng Nai với tổng số 1.327 dự án, trong đó có 964 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư trên 16,9 tỷ USD, vốn thực hiện  trên12 tỷ USD và 363 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 43.000 tỷ đồng.

Hạn chế thu hút đầu tư các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai (DIZA), để đảm bảo phát triển công nghiệp phải gắn liền với công tác bảo vệ môi trường, ngay từ giai đoạn đầu phát triển, DIZA là đơn vị được UBND tỉnh giao đứng ra lập quy hoạch chung hệ thống các KCN trên địa bàn tỉnh nhằm mục đích tập trung chất thải để xử lý, tránh tình trạng chất thải bị phân tán. Việc bố trí các doanh nghiệp sản xuất tập trung sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường trong việc kiểm soát ô nhiễm và đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời. 

DIZA luôn chú trọng đến chất lượng của các dự án thông qua việc chủ động xúc tiến đầu tư  thu hút các tập đoàn lớn, công nghệ cao, công nghệ sạch nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm tác động xấu đến môi trường. Trong quá trình quản lý, để đảm bảo cho việc phát triển bền vững, DIZA đã có những đề xuất, kiến nghị Tỉnh ủy và UBND tỉnh tạm ngừng không quy hoạch phát triển thêm các KCN mới; hạn chế thu hút đầu tư vào các KCN đối với một số ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; tạm ngừng thu hút đầu tư vào các KCN chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung.

DIZA cũng thường xuyên phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện tăng cường kiểm tra, đôn đốc và yêu cầu các KCN phải xây dựng hoàn tất nhà máy xử lý nước thải, lắp đặt thiết bị quan trắc tự động tại đầu ra của hệ thống xử lý nước thải, thu gom đấu nối triệt để nước thải của các doanh nghiệp vào nhà máy xử lý nước thải tập trung; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong KCN; thúc đẩy hoàn thiện các công trình hạ tầng môi trường trong và ngoài KCN.

Hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng cho các dự án đầu tư vào các KCN do DIZA thực hiện. Riêng đối với các thủ tục môi trường, DIZA tổ chức hội đồng thẩm định báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đề án Bảo vệ môi trường chi tiết trình UBND tỉnh phê duyệt của các dự án đầu tư vào các KCN. Đối với công tác thanh, kiểm tra do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, DIZA đã cử người phối hợp tham gia.

Thực hiện theo quy trình ISO, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư 

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 31 KCN được thành lập, trong đó có 28 KCN có dự án đi vào hoạt động và 28/28 KCN đang hoạt động này về cơ bản đã xây dựng hoàn thành nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế là 117.500 m3/ngày.đêm; 19 KCN đã hoàn thành việc gắn thiết bị quan trắc tự động. Như vậy, hiện nay tất cả các KCN đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động đều đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý nước thải cho các KCN.

DIZA đã tổ chức thẩm định và ban hành 64 Quyết định phê duyệt Báo cáo ĐTM, tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt 71 hồ sơ báo cáo ĐTM; xác nhận 123 Bản cam kết Bảo vệ môi trường; tổ chức, kiểm tra xác nhận việc hoàn thành các nội dung theo yêu cầu của Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của 17 dự án đã được DIZA phê duyệt báo cáo ĐTM; hiện đang nhận và xử lý 06 hồ sơ đề án Bảo vệ môi trường chi tiết để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Ông Cao Tiến Sỹ, Phó Trưởng Ban DIZA cho biết, thủ tục và trình tự tổ chức Hội đồng thẩm định, phê duyệt Báo cáo ĐTM và xác nhận đăng ký Bản cam kết Bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trong các KCN được ủy quyền đều được DIZA thực hiện đúng theo quy định hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, được công khai hướng dẫn trên trang web của DIZA và thực hiện theo quy trình ISO 9001:2008, đảm bảo 100% hồ sơ của doanh nghiệp được giải quyết đúng thời gian và trình tự quy định. Điều này cũng tạo niềm tin nơi các nhà đầu tư đối với DIZA trong việc xem xét, xử lý hồ sơ, thủ tục giúp các nhà đầu tư sớm triển khai xây dựng và đi vào hoạt động ổn định.

DIZA cũng đã tổ chức Đoàn kiểm tra sau Quyết định phê duyệt ĐTM và xác nhận Bản cam kết Bảo vệ môi trường của 78 doanh nghiệp. Mục đích của các cuộc kiểm tra nhằm nắm tình hình hoạt động cũng như giám sát việc thực hiện các nội dung và yêu cầu của Quyết định phê duyệt và Giấy xác nhận, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các nội dung và yêu cầu của Quyết định phê duyệt và Giấy xác nhận đã được cấp. Qua các đợt kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, DIZA đều tổng hợp, báo cáo kết quả và kiến nghị UBND tỉnh xử lý theo quy định các trường hợp vi phạm.


(Nguồn tin: monre.gov.vn)