Tái chế chất thải, SDV giúp Đồng Nai giảm diện tích chôn lấp khoảng 4 ha/năm

     Tái chế khoảng 85% lượng chất thải rắn sinh hoạt sau khi tiếp nhận và tỷ lệ chôn lấp chỉ dưới 15%, mỗi năm Công ty CP Dịch vụ Sonadezi (SDV) giúp địa phương giảm khoảng 4ha đất chôn lấp chất thải.

     Theo quy hoạch hạ tầng xử lý chất thải giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai có 9 khu với 17 dự án xử lý chất thải. Tính đến hết tháng 6/2021, có 2 khu, 3 dự án đã ngưng hoạt động; còn 7 khu, 11 dự án thực hiện tiếp nhận, xử lý chất thải các loại. Tuy nhiên, một số khu xử lý chưa đảm bảo tỷ lệ chôn lấp dưới 15% theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Đồng Nai.

     Xử lý chủ yếu bằng phương pháp tái chế

     Trong 07 khu xử lý chất thải đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Khu xử lý chất thải (XLCT) Quang Trung do Công ty SDV đầu tư và vận hành hiện có quy mô lớn nhất với tổng diện tích 130 ha. Khu XLCT Quang Trung đang tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho 08/11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với công suất trung bình trong năm 2021 là 1.160 tấn/ngày (chiếm tỷ lệ khoảng 70% tổng lượng chất thải xử lý trên địa bàn tỉnh). Đồng thời, SDV đang đảm nhận nhiệm vụ xử lý chất thải công nghiệp nguy hại và không nguy hại của các doanh nghiệp với công suất khoảng 130 tấn/ngày.

Công nhân Khu xử lý chất thải Quang Trung đang phân loại chất thải rắn sinh hoạt

     Trong năm 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Đồng Nai, SDV đã tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế lây nhiễm, chất thải sinh hoạt từ các khu cách ly, khu phong tỏa, các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19, các hộ gia đình có F0 điều trị tại nhà. Qua đó, góp phần cùng địa phương nhanh chóng xử lý triệt để và đúng quy định nguồn chất thải lây nhiễm, đảm bảo an toàn dịch bệnh và môi trường. Được biết, tại Đồng Nai, Khu XLCT Quang Trung là một trong số ít khu có năng lực xử lý chất thải y tế và được cấp phép. Từ tháng 7/2021 đến nay, SDV đã tiếp nhận, xử lý khoảng 709 tấn chất thải y tế lây nhiễm và 3.685 tấn chất thải sinh hoạt từ khu cách ly phong toả phát sinh do dịch Covid -19.

     Xử lý chất thải chủ yếu bằng phương pháp đốt và tái chế chất thải làm phân compost, Khu XLCT Quang Trung đạt tỷ lệ rác sinh hoạt sau xử lý đưa vào chôn lấp dưới 15%, hơn 80% rác hữu cơ trong rác thải đầu vào được xử lý, tái chế thành mùn compost, gần 5% rác được thu hồi tái chế và tái sử dụng. Qua đó giúp Đồng Nai tiết kiệm được diện tích đất dùng để chôn lấp chất thải khoảng 4ha/năm (với độ cao ô chôn lấp trung bình 14m).

     Với quy trình xử lý khép kín, công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường, trong nhiều năm qua, Khu XLCT Quang Trung được chọn là dự án mẫu để nhiều Đoàn công tác của Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh thành đến thăm, tham khảo kinh nghiệm để áp dụng, nhân rộng mô hình này tại các địa phương. Đồng thời, nhiều trường học đã đưa học sinh đến tham quan để có thêm kiến thức và trải nghiệm thực tế về bảo vệ môi trường. Riêng đối với huyện Thống Nhất, Khu XLCT Quang Trung là một dự án lớn về bảo vệ môi trường đóng chân trên địa bàn, do đó chính quyền, các cơ quan chức năng và người dân thường xuyên đến tham quan, giám sát và góp ý cho hoạt động của dự án.

Linh mục Đa Minh Ngô Công Sứ tham quan Trạm tái chế chất thải làm phân compost của Khu xử lý chất thải Quang Trung

     Đến thăm Khu XLCT Quang Trung trong ngày đầu năm 2022, Linh mục Đa Minh Ngô Công Sứ - Quản hạt gia kiêm Chánh xứ Ninh Phát đánh giá Khu XLCT Quang Trung có quy mô đầu tư lớn, công tác xử lý chất thải bài bản. Ông cũng đánh giá cao việc Công ty đã đầu tư chi phí, chấp nhận giảm lợi nhuận để làm tốt khâu xử lý mùi. “Một điều nữa mà chúng tôi rất hài lòng, rất thích khi vào đây là cảnh quan, hạ tầng đẹp, dù là khu xử lý chất thải nhưng có sức sống, tươi xanh. Khu nên phát huy thêm điều này để người dân thêm tin tưởng, ủng hộ”, Linh mục Đa Minh Ngô Công Sứ nói.

     Bên cạnh đó, Linh mục Đa Minh Ngô Công Sứ cũng chia sẻ, thông cảm với những áp lực, gánh nặng trách nhiệm của đội ngũ CBNV Khu XLCT Quang Trung và những người làm công tác môi trường nói chung. Ông cho rằng: “Hiện nay, trong hình thái xã hội tiêu thụ, điều đáng lo ngại là người dân Việt Nam chúng ta chưa có ý thức cao về bảo vệ môi trường. Do đó, khi kinh tế phát triển hơn, tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn nhưng ý thức về môi trường không đi kèm sự phát triển sinh hoạt vật chất mà đôi khi tỷ lệ nghịch thì gánh nặng của những người làm công tác môi trường sẽ tăng lên gấp bội. Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục nhận thức về bảo vệ môi trường trong các nhà trường và xã hội nói chung”.

     Vận hành đúng theo luật định, xử lý chất thải đạt quy chuẩn

     Hoạt động của Khu XLCT Quang Trung được giám sát chặt chẽ bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, trong đó có Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thống Nhất.

Đại diện Giáo xứ Ninh Phát, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thăm Khu xử lý chất thải Quang Trung trong ngày đầu năm 2022

     Vừa qua, trong buổi làm việc với Khu XLCT Quang Trung, bà Trần Thị Minh Hải - Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thống Nhất cho biết: “Trong quá trình giám sát Khu XLCT Quang Trung từ khi thành lập đến nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thống Nhất chưa phát hiện có sai phạm gì về môi trường. Hiện nay, nhiệm vụ của Công ty SDV rất lớn, xử lý rác thải sinh hoạt cho gần như toàn tỉnh, đồng thời SDV đã có đóng góp lớn trong công tác xử lý chất thải lây nhiễm. Thời gian qua, các ý kiến đóng góp trong các buổi giám sát của cơ quan chức năng đã được Công ty tiếp thu và hoàn thiện. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thống Nhất sẽ tiếp tục cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát thường xuyên. Mong SDV ngày càng cải tiến công nghệ để góp phần mang lại môi trường sống tốt hơn”.

     Ông Trương Tuấn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung thông tin: “Hoạt động của Khu XLCT Quang Trung vừa là đảm bảo nhiệm vụ kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động của huyện vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của huyện. Mong Công ty luôn thực hiện hết trách nhiệm của mình, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn và yêu cầu các đơn vị thu gom đảm bảo công tác thu gom theo rác phân loại để giảm bớt gánh nặng trong khâu xử lý”.

     Theo bà Trần Thị Thúy - Giám đốc Khu XLCT Quang Trung, các đợt thanh kiểm tra thường xuyên của địa phương cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường trong nhiều năm qua đều ghi nhận công tác bảo vệ môi trường tại Khu XLCT Quang Trung được thực hiện đúng theo luật định, không xả thải ra môi trường. Định kỳ 2 lần/năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai thực hiện quan trắc chất lượng nước dưới đất, không khí, môi trường đất tại khu vực lân cận Khu XLCT Quang Trung và thực hiện quản lý, giám sát đối với toàn bộ hoạt động của dự án.

Công nhân vận hành hệ thống xử lý nước thải trong Khu xử lý chất thải Quang Trung

     Trong thông báo gần đây nhất về kết quả giám sát đối với Khu XLCT Quang Trung của Sở Tài nguyên và Môi trường (ngày 02/11/2021), Sở ghi nhận các hoạt động xử lý chất thải của Khu XLCT Quang Trung đều đạt quy định. Trong đó, đối với hoạt động xử lý chất thải sinh hoạt, lượng nước rỉ rác được đưa về hệ thống xử lý nước thải khoảng 120 - 150 m3/ngày, nước thải sau khi xử lý được Công ty thu gom, lưu trữ tại hồ chứa nước để tái sử dụng. Đối với chất thải nguy hại, khối lượng chất thải đưa vào lò đốt của dự án trung bình khoảng 7 tấn/ngày. Sở cũng cho biết kết quả đo đạc chất lượng môi trường không khí xung quanh, chất lượng nước thải, chất lượng nước dưới đất đều đạt so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

     Lãnh đạo SDV cho biết, năm 2022, Công ty sẽ tập trung triển khai dự án Nhà máy điện rác Quang Trung (công suất giai đoạn 1 là 150 tấn/ngày) để kéo giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải, gia tăng tính bền vững của Khu XLCT Quang Trung.

Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/tai-che-chat-thai-sdv-giup-dong-nai-giam-dien-tich-chon-lap-khoang-4ha-nam-214649.html