Doanh nghiệp trông đợi các giải pháp hiệu quả, kịp thời

Hầu hết các doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai đều lo lắng đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và kéo dài sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế, các DN đều mong Chính phủ sẽ có những giải pháp đột phá để giúp DN có khả năng duy trì và khôi phục sản xuất.

Lao động của Công ty CP Dịch vụ Sonadezi chuyên thu gom, vận chuyển, xử lý rác cho 9 huyện, thành phố.

Theo thông tin từ UBND tỉnh, Đồng Nai nằm trong tốp 6 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu ngân sách nhà nước. Trong đó, các DN có vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp rất lớn. Do đó, DN trụ vững qua đợt dịch lần thứ tư và khôi phục sản xuất sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế của tỉnh cũng như cả nước.

* DN lo lắng

Dù chấp hành các quy định của Nhà nước là tạm ngừng sản xuất hay thực hiện “3 tại chỗ” hay “1 cung đường- 2 địa điểm” để bảo vệ người lao động, tránh dịch bệnh lây lan nhưng các DN trên địa bàn tỉnh vẫn đang như “ngồi trên đống lửa”.

Ông Phạm Văn Chính, Giám đốc Công ty CP Sản xuất bao bì công nghiệp Toàn Cầu (TP.Biên Hòa) chia sẻ, từ 10 ngày nay công ty đã cho người lao động lưu trú tại công ty để phòng dịch và đảm bảo kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Điều DN lo lắng nhất là trong tình huống dịch diễn biến xấu, DN phải tạm ngừng hoạt động một thời gian sẽ ảnh hướng rất lớn đến sự phát triển của DN. “Chúng tôi chuyên sản xuất bao bì, trong đó cung ứng rất nhiều cho ngành gạo, bao bì thực phẩm. Đặc thù ngành bao bì là có những đơn hàng được thiết kế chỉ riêng một mặt hàng, sản phẩm, nếu bị gián đoạn sản xuất, không cung ứng kịp, các lô hàng ấy sẽ bị đối tác ngừng hợp đồng và sản phẩm đó không thể tiêu thụ được ở nơi khác nên thiệt hại rất lớn” - ông Chính bày tỏ.

Trong khi đó, Công ty CP Sản xuất - thương mại Minh Trí (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) chuyên sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu do nằm trong khu vực bị phong tỏa nên đã cho nhà máy tạm ngừng sản xuất từ 1 tuần nay. Theo ông Phạm Văn Sinh, Giám đốc công ty thì việc tạm ngừng sản xuất khiến DN tổn thất rất lớn, nếu kéo dài tình trạng này thì DN sẽ rơi vào tình trạng khốn đốn, chưa biết phải giải quyết ra sao.

Với các DN sản xuất, việc giảm công suất hay sắp xếp lại dây chuyền, thậm chí tạm ngưng sản xuất mới chỉ 1 tháng trở lại đây còn đối với ngành dịch vụ, tác động của dịch Covid-19 đã thấy rõ từ hơn 1 năm qua. Một chủ DN ngành vận tải khách ở P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) cho biết cả năm nay ông phải “liệu cơm gắp mắm”, co hẹp mảng vận tải, mở một số dịch vụ khác để duy trì việc làm cho nhân viên nhưng đến lúc bị phong tỏa để phòng dịch thì không còn kham nổi. Nợ ngân hàng, chi phí lãi vay và tiền lương nhân viên gồng gánh mãi đã cạn nguồn. Muốn bán bớt đầu xe để giải quyết khó khăn cũng không được vì vướng vay vốn ngân hàng.

* Mong có nguồn vaccine tiêm phòng cho người lao động

Các DN trên địa bàn tỉnh hiện đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro và thiệt hại khó lường trước. Kịch bản xấu là dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lan nhanh và không ít DN sẽ rơi vào tình trạng khó chống đỡ. Do đó, mong muốn lớn nhất hiện nay của các DN là Chính phủ, tỉnh có những giải pháp đột phá để dập dịch nhanh, có nguồn vaccine để tiêm phòng cho người lao động và ưu tiên cho những ngành có nguy cơ cao nhất.

Ông Trần Anh Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Sonadezi băn khoăn, công ty đang làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác cho 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo việc xử lý rác cho các địa phương, công ty đã triển khai cho hơn 200 công nhân thực hiện “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, lao động trên lĩnh vực này nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao vì phải đến, đi qua những vùng dịch đang bị phong tỏa, cách ly y tế để thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Thế nhưng hiện nay, Chính phủ chưa có chính sách cụ thể cho lĩnh vực này và cũng không đưa người lao động ở lĩnh vực trên vào diện nguy cơ cao để ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Vì thế, công ty rất mong sẽ được ưu tiên vaccine sớm tiêm phòng cho người lao động.

Thời điểm này, vấn đề các DN mong mỏi nhất là nguồn vaccine để tiêm phòng cho người lao động, hạn chế dịch bệnh lây lan và khôi phục lại sản xuất. Tiếp đến là các chính sách mới của Chính phủ giúp DN vượt qua “làn sóng” Covid-19 lần thứ tư. Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai cho biết: “Cả thế giới đang thiếu hụt nguồn vaccine Covid-19 nên các DN hy vọng Việt Nam sớm đàm phán mua được vaccine và hoàn thành thử nghiệm, sản xuất vaccine trong nước để tiêm cho công nhân lao động và người dân để khống chế được dịch bệnh. Nếu triển khai nhanh sẽ giảm được rất nhiều tổn thất cho DN, như vậy khả năng phục hồi của DN sẽ tốt hơn”. Bên cạnh đó, nhiều DN ở Đồng Nai cũng mong các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh dễ thực hiện để họ có thể tiếp cận, giảm bớt thiệt hại.

Nguồn: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202107/doanh-nghiep-trong-doi-cac-giai-phap-hieu-qua-kip-thoi-3069273/index.htm