Đồng Nai - Hội nhập kinh tế và Bảo vệ môi trường

Đồng Nai là tỉnh có quá trình hội nhập, phát triển công nghiệp nhanh trong khu vực miền Đông Nam Bộ. Đến năm 2020, tỉnh Đồng Nai phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển. Quá trình đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa đã đem lại những hiệu quả tích cực song cũng bị ảnh hưởng tiêu cực mà nếu không được giải quyết sẽ trở thành những vấn nạn ảnh hưởng nhiều mặt và làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội Đồng Nai.

Đồng Nai đã và đang đối mặt với những thách thức về suy thoái, ô nhiễm môi trường, nguy cơ gia tăng xảy ra thiên tai, sự cố môi trường và các thiệt hại lớn kèm theo, nguy cơ suy giảm, suy thoái tài nguyên rừng và đa dạng sinh học đến mức có thể báo động…

I. Đồng Nai trong quá trình hội nhập phát triển kinh tế quốc tế:

 
1. Khái quát về tỉnh Đồng Nai:

Tỉnh Đồng Nai thuộc khu vực Đông Nam Bộ, có tổng diện tích tự nhiên là 590.724 ha. Tỉnh Đồng Nai có dân số đứng thứ 7 trong cả nước, theo thống kê năm 2012 là 2.720.840 người. Mật độ dân số khoảng 601 người/km2 với tỷ lệ tăng dân số khoảng 1,1%. Bên cạnh đó, Đồng Nai còn là một tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Là địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng và phát triển khu công nghiệp, tỉnh Đồng Nai đang phát triển mạnh cả về số lượng doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp.


Về cơ cấu hành chính, hiện nay Đồng Nai có 11 đơn vị, gồm: 01 thành phố Biên Hòa, 01 thị xã Long Khánh và 09 huyện: Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Xuân Lộc.

Đồng Nai là địa bàn chiến, được xác định là nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam của Việt Nam.
 

2. Mục tiêu của chính quyền tỉnh Đồng Nai trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa:


Nhận thức được tầm qua trọng và có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế không chỉ vùng Đông Nam Bộ nói riêng và của phía nam nói chung, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai luôn nỗ lực xây dựng và phát triển tỉnh Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


Vì vậy, ngày 28 tháng 9 năm 2006 Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 78/2006/NQ-HĐND về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2006 - 2020. Qua đó, xác định mục tiêu định hướng phát triển kinh tế xã hội như sau: “Phát triển nhanh, toàn diện và bền vững các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường và bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh; xây dựng Đồng Nai trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn và hiện đại của khu vực phía Nam, góp phần quan trọng trong việc thực hiện vai trò động lực và giao thương với Quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đối với cả nước; phấn đấu đến năm 2010 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2015 trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vào năm 2020 thành tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.


Đến ngày 18/9/2013, Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 88/2013/NQ-HĐND về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, trong đó bổ sung mục tiêu như sau: “Mô hình phát triển chung tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 tầm nhìn năm 2025 là: Phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”.

Ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc tại Lệ Phát động Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 05/6/2014

 

II. Bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập và công nghiệp hóa hiện đại hóa

Mặt trái của sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, sự gia tăng dân số và đô thị hóa đã làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường, tạo ra nhiều áp lực cho công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh.

 

Do vậy, công tác bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ được tỉnh quan tâm hàng đầu và được tập trung chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, như: Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 05-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, nghị quyết Tỉnh ủy hàng năm cũng xác định nội dung bảo vệ môi trường là quan trọng; Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết về bảo vệ môi trường đến 2015 và định hướng đến 2020; UBND tỉnh ban hành chương trình bảo vệ môi trường cho mỗi kỳ 5 năm và hàng năm đều có kế hoạch bảo vệ môi trường. Qua đó công tác bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ bản hoàn thành việc xử lý các điểm nóng về ô nhiễm, cải thiện môi trường tại một số khu vực ô nhiễm nặng, chất lượng các thành phần môi trường nhìn chung đạt quy chuẩn.

Hoạt động quan trắc nước mặt trên sông Đồng Nai để kiểm tra chất lượng môi trường nước

Để đảm bảo việc thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội song song với nhiệm vụ phát triển bền vững, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đạt được một số thành tựu nhất định như:

1. Công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm được tăng cường, đạt và vượt các chỉ tiêu về thu gom, xử lý các loại chất thải theo Nghị quyết Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh. Các dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường được tập trung triển khai thực hiện, trong đó những dự án quan trọng như: dự án đầu tư xây dựng các trạm quan trắc môi trường tự động tại các khu công nghiệp đã lấp đầy trên 50% diện tích; đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải theo quy hoạch.

2. Tập trung triển khai nhiều giải pháp, biện pháp nhằm giảm thiểu, ngăn ngừa gia tăng ô nhiễm, từng bước cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn. Đến nay, công tác thu gom, xử lý nước thải trong các khu công nghiệp cơ bản đạt yêu cầu. Tình hình quản lý chất thải có nhiều chuyển biến, tỷ lệ thu gom, xử lý các loại chất thải đạt chỉ tiêu đề ra; tình hình xử lý các bãi rác tạm không phù hợp quy hoạch có chuyển biến tốt.

3. Môi trường tại các khu công nghiệp được quan tâm nhiều hơn, tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp có nhiều tiến bộ. Tình hình ô nhiễm không khí tại một số khu vực trong đô thị có chuyển biến tốt hơn; tình hình triển khai xây dựng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt theo quy hoạch đã có bước chuyển biến tích cực so với các năm trước.

4. Tích cực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đánh giá Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Nhận thức được tầm quan trọng của việc biến đổi khí hậu sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của con người và cho cả nền kinh tế, ngày 18/4/2014 Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 177-KH/TU về việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành trung ương Đảng (khóa XI) về “chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

Nguồn trích dẫn: Nguyễn Hoàng Mỹ Hạnh / Sở tài nguyên môi trường Đồng Nai