Đồng Nai nâng tỷ lệ rác thải được tái chế

Là tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của cả nước, dân số khoảng 3,2 triệu người nên Đồng Nai phải xử lý lượng rác thải từ sản xuất, sinh hoạt rất lớn.

Phân loại rác thải sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải Quang Trung.

Hiện nay, toàn tỉnh có 7 khu xử lý chất thải tập trung, thu hút hàng chục công ty. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt công nghệ hiện đại để tái chế rác thải.

Trong lộ trình giảm dần xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp thì tăng tỷ lệ tái chế rác được xem là hướng đi tất yếu của Đồng Nai cũng như các địa phương trong cả nước.

Sản phẩm mới từ rác.

Khu xử lý chất thải Quang Trung quy mô 130ha, nơi đang xử lý 1.200 tấn rác mỗi ngày của 8/11 huyện, thành phố của tỉnh Đồng Nai. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi đã đầu tư nhà xưởng, máy móc trị giá hơn 200 tỷ đồng để thực hiện tái chế chất thải sinh hoạt, làm ra mùn hữu cơ để sản xuất phân vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Giám đốc Khu xử lý Trần Thị Thúy cho biết, dây chuyền, công nghệ xử lý được chuyển giao từ Bỉ. Hằng ngày, rác thải sinh hoạt được tiếp nhận, phân loại, ủ trong thời gian 1,5 tháng để làm ra mùn hữu cơ.

Hiện, chất thải sinh hoạt ở khu xử lý lớn nhất của Đồng Nai này được xử lý, tái chế 100% tại trạm tái chế làm mùn compost, góp phần giảm tỷ lệ chôn lấp chất, “Nhà máy đang vận hành ba ca, gần như hoạt động hết công suất để xử lý khoảng 80% lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”, bà Trần Thị Thúy cho biết.

Đối với tái chế rác công nghiệp tại Đồng Nai, Công ty Thành Tùng 2 ở Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân được biết đến là đơn vị tiên phong trong hơn mười năm trở lại đây bằng một loạt các sản phẩm từ rác được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Vừa qua, doanh nghiệp này cho ra mắt sản phẩm tranh nghệ thuật 3D được tái chế từ rác thải nhựa khiến không ít người ngỡ ngàng. Ông Bùi Xuân Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Thanh Tùng 2, cho rằng, việc tận dụng rác thải nhựa để sáng tạo nghệ thuật đã có nhiều dự án, nhưng tái chế nhựa thành tranh quy mô công nghiệp thì hầu như chưa có ai làm.

Mỗi bức tranh được tạo ra từ 10kg rác thải nhựa. Đầu tiên, các loại rác thải nhựa được làm sạch, cho vào máy nghiền nhỏ. Sau đó, nhựa thải được đưa vào máy ép nóng tạo thành tấm ván nhựa, đưa qua máy ép lạnh để sản phẩm chắc, bền.

Tiếp đó, những tấm không bị lỗi, được lựa chọn, cắt theo kích thước để đưa đi xử lý mầu, phơi khô rồi in tranh. Những bức tranh đầu tiên ông Hùng mang đi tặng cho chính doanh nghiệp mà ông đang hợp tác, các cơ quan, trường học. Tháng 3 vừa qua, doanh nghiệp mở 3 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm tại thành phố Biên Hòa, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Bình.

Trước đó, cuối tháng 12/2021, lô hàng tấm ván ép đầu tiên được tái chế từ rác thải nhựa của Thanh Tùng 2 được xuất khẩu sang Scotland. Điều này, mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp trong việc tái chế chất thải từ nhựa làm đồ nội thất.

Theo ông Bùi Xuân Hùng, việc tái chế rác nhựa ra sản phẩm để sử dụng là bước đi quan trọng trong thực hiện bảo vệ môi trường theo hướng bền vững. Để làm được điều này, ngoài đầu tư cho nhà máy khoảng 200 tỷ đồng thực hiện tái chế chất thải, Công ty Thanh Tùng 2 đã được chuyển giao quy trình, công nghệ từ Công ty Reform Plastic, một doanh nghiệp chuyên thực hiện tái chế chất thải đến từ Đức.

Ông Jan Zellmann, Phó Giám đốc, nhà đồng sáng lập Công ty Reform Plastic cho biết, doanh nghiệp hướng đến tác động tích cực đối với môi trường thông qua phát triển và cung cấp công nghệ, quy trình tái chế rác thải nhựa không có giá trị hoặc có giá trị thấp cho các đơn vị khai thác chất thải tại Việt Nam: “Cùng với chuyển giao quy trình, công nghệ xử lý rác thải nhựa cho Thanh Tùng 2 ở Đồng Nai, chúng tôi đang phối hợp xử lý rác thải nhựa tiêu dùng ở Hội An, tỉnh Quảng Nam. Tái chế rác thải nhựa công nghiệp để tiến tới thay thế xử lý rác bằng cách đốt hoặc thải ra bãi chôn lấp và tạo ra lợi nhuận”, ông Jan Zellmann cho hay.

Để phát triển nhanh, bền vững

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, bình quân mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh hơn 3.600 tấn chất thải các loại. Trong đó, chất thải sinh hoạt hơn 1.800 tấn, tăng gần gấp đôi so năm 2010.

Bên cạnh xử lý theo phương pháp truyền thống, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thiết bị hiện đại để thực hiện tái chế các loại chất thải theo chủ trương khuyến khích của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.

Hơn 15 năm trước Đồng Nai đã quy hoạch các khu xử lý chất thải tập trung, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư với các chính sách ưu đãi. Đến nay, toàn tỉnh có 7 khu xử lý chất thải tập trung, với 17 dự án xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp đang hoạt động.

Chi cục trưởng Bảo vệ Môi trường tỉnh Đồng Nai Lê Văn Bình cho biết, thời gian qua, Đồng Nai ưu tiên về chính sách đất đai, thuế đối với chủ nguồn thải tái chế. Bản thân các nhà đầu tư cũng xác định khi đầu tư tái chế rác thải sẽ được giảm chi phí xử lý nên đã mạnh dạn đầu tư các dây chuyền, công nghệ hiện đại.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 bắt buộc doanh nghiệp phải tái chế nhiều loại chất thải. Tất cả những điều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Thực tế thu hút nhà đầu tư tham gia việc xử lý rác thải sinh hoạt ngày càng khó. Bởi xử lý rác thải sinh hoạt thu hồi vốn chậm, rủi ro cao nên nhiều doanh nghiệp còn quan ngại đầu tư. Việc này gây áp lực quá tải lên một số khu xử lý chất thải đang hoạt động, điển hình như Khu xử lý chất thải Quang Trung.

Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường là điều tất yếu. Trong đó, hạn chế chôn lấp, nâng tỷ lệ tái chế rác là giải pháp mà các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đang quyết liệt thực hiện. Trong quá trình này, rất cần sự tích cực đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có kinh nghiệm, nguồn lực tài chính và công nghệ hiện đại.

Link: https://nhandan.vn/dong-nai-nang-ty-le-rac-thai-duoc-tai-che-post749322.html