Giảm thiểu sử dụng túi nylon, cách nào?

Túi nylon vốn là sản phẩm phổ biến và không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Đối với loại sản phẩm này, bên cạnh mặt tích cực là tiện lợi, đáp ứng đa dạng nhu cầu người dân, dễ sản xuất, dễ thay đổi… thì việc dùng nó cũng gây nhiều nguy hại cho môi trường sống như: gia tăng tình trạng thoái hóa đất, tắc nghẽn hệ thống cống rãnh và gây khó cho hoạt động xử lý rác thải… Chính vì thế, nhiều giải pháp nhằm hạn chế sử dụng túi nylon đã được đặt ra. Tuy nhiên cho đến nay hiệu quả không cao.

Một trong những giải pháp được xem đột phá và mang tính quyết liệt nhất là áp thuế cho túi nylon. Theo đó, mức thuế bước đầu áp dụng từ 100% – 200% chi phí giá thành trên 1kg bao bì nhựa. Tương ứng với thời điểm chuẩn bị áp dụng mức thuế này vào năm 2013 là 40.000 đồng/kg.

Một mức thuế gây phản ứng khá nhiều cho tất cả các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp sản xuất và sử dụng trực tiếp. Lý do các doanh nghiệp đưa ra là việc áp thuế quá đột ngột, không có lộ trình để doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm thay thế khác. Hơn nữa, trường hợp doanh nghiệp có thể chuyển đổi được thì cũng không biết phải dựa trên cơ sở nào để chuyển đổi khi bộ tiêu chí áp dụng cho sản phẩm túi nylon thân thiện môi trường chưa được hoàn thiện.


Về phía những doanh nghiệp hiện đang sản xuất hay sử dụng bao bì là bao nylon tự hủy cũng chua xót thừa nhận rằng họ khó có khả năng duy trì lâu dài. Bởi lẽ, chi phí sản xuất bao bì tự hủy cao hơn giá chi phí sản xuất bao bì bình thường từ 20% – 40%. Trong khi đó, thói quen tiêu dùng của người dân vẫn ưu tiên cho sản phẩm giá rẻ.

Chưa thể giảm thiểu hiệu quả sử dụng túi nylon bằng giải pháp kinh tế, nhiều tỉnh thành đã trở lại với giải pháp thông thường là vận động, tuyên truyền. Và TPHCM được xem là nơi có nhiều hoạt động, nhiều cuộc vận động tuyên truyền người dân giảm thiểu sử dụng túi nylon.

Thế nhưng, kết quả của những cuộc vận động trên chỉ mới dừng lại ở việc nâng cao một phần nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Còn hiệu quả từ nhận thức chuyển sang hành động còn rất hạn chế.

Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, tại sao chỉ nghĩ đến việc giảm thiểu sử dụng túi nylon mà không nghĩ đến việc phát triển ngành tái chế chất thải nói chung và túi nylon nói riêng? Quan điểm cho rằng chất thải là thứ vứt đi hiện đã được thế giới thay đổi thành chất thải là vàng, là nguồn tài nguyên và là nguyên liệu sản xuất cho nhiều ngành công nghiệp.

Vấn đề là làm thế nào để có thể tái chế chất thải thành nguyên liệu thô trước khi chuyển đến những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng. Đơn cử như túi nylon, nếu thực hiện tốt khâu thu gom, phân loại thì có thể tái chế thành hạt nhựa. Đây là nguồn nguyên liệu sản xuất cho ngành nhựa và một số ngành sản xuất khác.

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm túi nylon và nhựa các loại đều phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu hạt nhựa nói chung với chi phí khá cao, chiếm khoảng hơn 90%. Nguồn hạt nhựa tái chế trong nước chiếm chưa tới 10%. Và nếu thực hiện tốt khâu tái chế thì có thể thay đổi đáng kể tỷ lệ cung ứng cho thị trường hạt nhựa trong nước lên khoảng 40%.

Trên thực tế, việc tái chế túi nylon sau sử dụng không phải là khó. Cái khó là hiện nay nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ đủ để khuyến khích các nhà đầu tư lớn có năng lực tham gia. Kết quả là việc tái chế nylon rơi vào những cơ sở sản xuất tư nhân nhỏ. Trong quá trình sản xuất họ không đảm bảo điều kiện an toàn môi trường, gây phản cảm trong xã hội.

Do vậy, theo các chuyên gia môi trường, thay vì loay hoay tìm cách giảm thiểu sử dụng túi nylon thì nên đầu tư cho giải pháp kinh tế để tăng hiệu suất tái chế loại sản phẩm này. Như vậy, vừa có lợi ích về kinh tế vừa có lợi cho môi trường sống.


Nguồn Trích Dẫn:  Theo Minh Xuân/Sài Gòn Giải Phóng.